TRẦN QUỐC KHÁNH
HỌC TIẾNG ANH: HÃY XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU
Một cách trùng hợp, gần đây khá nhiều bạn bè, sinh viên nhắn tin hỏi tôi kinh nghiệm học nói tiếng Anh để giao tiếp lưu loát. Tôi không phải chuyên gia ngôn ngữ, cũng chẳng phải thầy giáo, nhưng tôi tự tin mình có thể giao tiếp tốt tiếng Anh khi thực hiện các bài phỏng vấn khách mời nước ngoài trên truyền hình (xem tại youtube.com/khanhqtran), làm MC/phiên dịch Anh-Việt các sự kiện hội thảo, hội nghị kinh doanh quốc tế. Nên tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân để các bạn tham khảo. Vì đây chỉ là kinh nghiệm đúng với cá nhân tôi, nên không nhất thiết sẽ áp dụng được hết, nhưng tôi tin nó vẫn có giá trị tham khảo. Vì tôi làm được, thì tại sao bạn không?
Tiếng Anh có 4 kỹ năng nghe nói đọc viết. Nhưng theo tôi thì nếu bạn không phải là dân học tiếng Anh lâu năm, hoặc trình độ tiếng Anh rất tệ thì hãy tập trung cải thiện phần nghe nói trước đã. Nghe nói tốt sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong học tập, công việc, và cuộc sống. Tuy nhiên, bạn thắc mắc vì sao mình vẫn cứ loay hoay hoài không tiến bộ? Đã đi học bao nhiêu trung tâm, luyện với bao nhiều thầy bản xứ mà vẫn vậy? Tốn kém thời gian và tiền bạc mà vẫn không thấy hiệu quả? Đó là vì: bạn học mà không có mục đích cụ thể. Và có thể tiếng Anh đối với bạn chưa thật sự cần thiết. Do đó bạn không có áp lực phải luyện tập nhiều, phải nghe nói cho bằng được... Nếu chỉ học tiếng Anh với lý do là "phải giỏi tiếng Anh" thì không giờ bạn tiến bộ được. Nghe hơi mâu thuẫn phải không? Thật chất là vậy. Trừ phi bạn là ngừoi đam mê môn tiếng Anh, là một học sinh chuyên Anh lâu năm...còn lại thì nếu không xác định mục tiêu cụ thể thì bạn không bao giờ tiến bộ được. Vì thiếu mục đích và mục tiêu cụ thể, bạn sẽ chẳng bao giờ ép nó vào khuôn khổ để luyện tập. Cứ học rồi để đó, luyên tập qua loa rồi thôi. Rồi lại thắc mắc "Sao mình học hoài không giỏi?"
CÂU CHUYỆN CỦA TÔI
Khi tôi nói với nhiều người rằng, trước khi đi du học Mỹ, tiếng Anh của tôi gần như con số 0 thì ít ai tin. Nhiều người còn tưởng tôi học tiếng Anh lâu năm. Hoàn toàn không phải!
Lúc tôi học cấp 2 và cấp 3, trong khi bạn bè đồng trang lứa học thêm tiếng Anh ở Trung Tâm Hội Việt Mỹ, SEAMEO, Hội Đồng Anh...thì tôi chưa bao giờ đến một trung tâm nào cả! Tôi cũng chẳng hiểu vì sao ba mẹ tôi lại không bắt tôi phải đi học thêm, và mình cũng chẳng chủ động đòi?! Hình như tôi không thích môn tiếng Anh cho lắm.
Chính vì chỉ học trong trường cộng với sự thiếu đam mê, tiếng Anh của tôi rất ẹ. Môn tiếng Anh lúc nào điểm cũng thấp. Đến nỗi cuối năm 12 thi Tú tài môn Anh văn, lo tôi điểm thấp nên bố mẹ còn mời một anh sinh viên về dạy kèm cho tôi! Kể ra mà thấy mắc cỡ.
Nhưng rồi mọi thứ cũng qua, tôi không nhớ chính xác năm đó mình thi tiếng Anh tốt nghiêp bao nhiêu điểm, hinh như 7 hay 8 gì đó. Nhưng tiếng Anh chưa bao giờ là môn tôi yêu thích. Học chỉ để mà học.
Thế rồi, vào Đại học Bách Khoa (tôi học Bách Khoa 2 năm trước khi đi Mỹ), tôi cũng lờ mờ bắt đầu nhận ra mình phải cải thiện khả năng tiếng Anh. Kiểu như bắt đầu trưởng thành 18 tuổi, bắt đầu giác ngộ ra mình phải thay đổi hoàn thiện điều gì cho bản thân. Thế là lần đầu tiên tôi đến trung tâm đăng ký học thêm tiếng Anh. Tôi còn nhớ lúc đó là trung tâm SEAMEO ở đường Lê Thánh Tôn, kế bên Parkson bây giờ. Thật là mắc cỡ, tôi thi đầu vào chỉ đủ trình độ học lớp thấp nhất là lớp sơ cấp A, học chung với mấy em học sinh lớp 6, 7! Vì trình độ chỉ cỡ đó! Thật là mắc cỡ hết sức.
Thế là vì mắc cỡ nên cũng quyết tâm học để còn lên lớp cao hơn chứ. Nhưng cũng giống như nhiều bạn bây giờ, tôi học mà không có mục đích và mục tiêu cụ thể, nên học hoài mà chẳng thấy mình tiến bộ. Tôi tối cứ cắp cặp đến sớm, trò chuyện vài ba câu với giáo viên bản xứ, nói tầm phào vài ba câu đàm thoại trong sách với các học viên cùng lớp. Rồi lại về nhà. Rồi cứ thế. Chẳng có gì tiến bộ.
Thế rồi một bước ngoặt lớn đã đến, tôi có cơ hội đi du học Mỹ. Câu chuyện đi du học Mỹ có lẽ để kể một dịp khác, tóm lại ở đây là muốn đi du học Mỹ phải thi TOEFL. Mà trình độ Anh Văn của tôi thì khỏi nói, gần như là không thể. Tôi bật băng nghe mà chẳng hiểu gì hết. Lúc đó TOEFL chỉ thi văn phạm, nghe và đọc hiểu. Nếu có thi nói như bây giờ thì tôi chết chắc.
Nhưng ham muốn đi du học Mỹ đã khiến tôi buộc phải thi tốt. Đây chính là cái MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU mà tôi nói đến. Khi đó mục đích của việc học tiếng Anh chính là để đi du học, và mục tiêu phải đạt trên 500 điểm. Thế là tôi luyện ngày đêm, học một cách đối phó vì mình mất căn bản trong một thời gian dài. Bạn có biết là tôi đã phải học gần như thuộc lòng nguyên một cuốn sách dạy thi TOEFL không? Học thuộc các mẫu câu, bài đàm thoại, đoạn văn mẫu. Thật sự là thuộc lòng và đến khi làm bài thi nhớ để mà làm. Trời không phụ lòng người, tôi chỉ vừa đủ điểm và may mắn lọt qua vòng phỏng vấn để đi Mỹ.
Thế nhưng, sang đến Mỹ lại là một câu chuyện khác. Sang đến Mỹ mới thấy, điểm TOEFL 500 hay 600 với một số người vẫn như nhau. Học sinh Việt Nam thường đạt điểm thi cao nhưng một số rất yếu kỹ năng nghe nói. Một số bạn học chuyên Anh lâu năm gặp khó 1 thì tôi gặp khó 10 lần. Khoảng thời gian đầu ở Mỹ là khoảng thời gian kinh khủng.
Tôi không thể hiểu hết những gì thầy giảng (đã vậy còn gặp ông thầy Bangladesh, nói giọng giống Ấn Độ) nên phải ghi âm và đọc sách rất nhiều. Nói chung là đầu óc quay cuồng, tẩu hoả nhập ma.
Bạn bè thì chỉ chơi được với mấy đứa châu Á nói tiếng Anh dở như mình, vì nói chuyện với tụi Mỹ thì có ai hiểu ai? Mắc cỡ lắm bạn ạ. Chính vì giao tiếp kém nên người ta càng thu mình lại, lại càng kém. Tôi gần như đã không thể hoà nhập cùng với bạn bè bản xứ dù rất cố gắng. Tôi tham gia các CLB Sinh viên, tham gia các hoạt động ngoại khoá nhưng giao tiếp rất hạn chế. Tôi vẫn nhớ mãi mình đã quê như thế nào khi không thể giao tiếp.
Và như một lẽ tự nhiên, tình thế buộc tôi phải học, phải luyện tập nếu không thì sẽ không thể sống và học tốt được bạn ạ. Tôi xem TV như điên, nghe CNN, xem cách show truyền hình Mỹ, nghe cách người ta phát âm, học thuộc từng câu hội thoại từ phim ảnh...Học rồi tập nói một mình ở nhà, trong nhà tắm, nói một mình như một thằng khùng, rồi khi gặp bạn bè ở ngoài mình cố gắng nói mấy câu y chang từ trong phim ảnh. Cứ thế làm đi làm lại, sẽ vẫn quê độ vì nói không ai hiểu, nhưng cũng sẽ qua. Áp lực phải giao tiếp được để sống hoà nhập và học tốt khiến tôi phải luyện tập không ngừng. Đó chính là cái mà tôi nói đến ở đầu bài MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU. Tôi học tiếng Anh để tồn tại và hoà nhập với cuộc sống và môi trường học tập bên Mỹ, với mục tiêu phải kết bạn được với người bản xứ, tham gia các hoạt động hội nhóm một cách thoải mái.
BẠN CŨNG CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC!
Tôi chia sẻ hơi dài dòng câu chuyện của mình để bạn thấy rằng, tôi là một người không có thâm niên học tiếng Anh, hoặc thậm chí có thể nói là mất căn bản. Vì không có học chuyên sâu trong một thời gian dài trước đây nên kỹ năng viết của tôi rất kém so với nghe nói. Vì xuất phát điểm của tôi là trình độ kém nên tôi học một cách đối phó và bắt chước. Thật sự tôi bắt chước rất nhiều cách nói chuyện của người bản xứ trong phim ảnh Mỹ, tin tức truyền hình Mỹ, từ các cuộc trò chuyện ngoài xã hội. Tôi hay để ý cách người bản xứ nói chuyện với nhau. Họ hay nói từ gì, kiểu nói ra sao...và sau đó tôi bắt chước y chang. Cứ lặp đi lặp lại như vậy dần dần sẽ có phản xạ cho riêng mình. Khi về Việt Nam làm công việc truyền hình, phỏng vấn khách mời nước ngoài nên cũng là dịp để tôi luyện tập thường xuyên và tìm cách cải thiện trình độ. Nhưng nếu bạn để ý, tôi vẫn nói sai ngữ pháp rất nhiều. Đó là hệ quả của việc đối phó và thiếu nền tảng căn bản trong một thời gian dài. Nhưng cũng chẳng sao, miễn là tôi vẫn giao tiếp lưu loát, liền mạch với ngưới nước ngoài. Đó là mục tiêu thực tế cụ thể mà bạn cần hướng tới.
Một lần nữa, MỤC ĐÍCH chính là nói tốt để có thể là tốt công việc của một người dẫn chương trình, với MỤC TIÊU là phỏng vấn trò chuyện thoải mái với các vị khách mời thú vị, có tầm ảnh hưởng, các lãnh đạo doanh nghiệp lớn.
Tóm lại, bạn phải xác định MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU cụ thể thì mới có thể học tốt được. Nếu không có MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU cụ thể, tôi khuyên bạn không cần phải học làm gì nữa cho tốn kém thời gian và tiền bạc, lại đau cái đầu vì cứ thắc mắc tại sao mình học hoài không tiến bộ. Thật vậy đó. Nhiều người vẫn có thể thành đạt ở Việt Nam mà không cần phải giao tiếp tốt tiếng Anh. Nhưng tất nhiên, giỏi tiếng Anh sẽ mở ra cho bạn nhiều cánh cửa khác. Quan trọng là bạn phải xác định rõ MỤC ĐÍCH và MỤC TIÊU.
Ví dụ, nếu bạn làm nghề báo, MC như tôi. Hãy xác định rõ
MỤC ĐÍCH: học để phục vụ công việc
MỤC TIÊU: phỏng vấn khách nước ngoài không cần phiên dịch cho số báo tới, hoặc trong 3 tháng nữa phải được mời dẫn chương trình bằng tiếng Anh, hoặc trong 2 tháng nữa sẽ đi giao lưu tại một CLB tiếng Anh và kết bạn được với một người bản xứ, hoặc trong 6 tháng phải kiếm được một chàng/bồ người Mỹ!...
Mục tiêu phải càng cụ thể thì mới có quyết tâm và động lực học tốt được. Bạn sẽ tự ép mình vào khuôn khổ. Tin tôi đi.
Khi đã xác định được cụ thể MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU, khi đó hãy tính đến chuyện mình sẽ học thế nào cho tốt. Tôi sẽ chia sẻ các phương pháp học trong các bài viết khác.
Còn trước mắt hãy tự hỏi: MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU của bạn khi học tiếng Anh là gì? Nếu không xác định được thì đừng học chi tốn công vô ích. Bạn sẽ chẳng bao giờ tiến bộ được. Còn nếu đã xác định được thì hãy nghĩ xem: trước đây tôi là một người mất căn bản tiếng Anh nhưng nhờ có MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU, hiện tại tôi đã hoàn toàn tự tin giao tiếp tiếng Anh một cách lưu loát. Tôi đã làm được, thì tại sao bạn không?
-
Linh vật - một “vũ khí” của thương hiệu Mỗi lần World Cup là mỗi lần thế giới được biết đến một linh vật (mascot) của quốc gia tổ chức....
-
Chỉ tư duy và suy nghĩ thôi thì liệu dự án của bạn có đảm bảo 100% sẽ thành công? Đó sẽ là 1 suy nghĩ khá ấu trĩ nếu như bạn không biết ...
-
TRẦN QUỐC KHÁNH HỌC TIẾNG ANH : HÃY XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU Một cách trùng hợp, gần đây khá nhiều bạn bè, sinh viên nhắn tin hỏi...
-
20 ý tưởng marketing tốt nhất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Vào những thời điểm khó khăn, chúng ta thường có khuynh hướng thúc đẩy doanh ...
-
TỪ TƯ DUY SÁNG TẠO ĐẾN KẾ HOẠCH KINH DOANH THỰC TIỄN “Đừng bao giờ khởi nghiệp khi chưa tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết và đú...
Danh sách Blog của Tôi
Giới thiệu về tôi
Được tạo bởi Blogger.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét